Tư vấn hướng dẫn của Công ty Luật TNHH Hoàng Anh về Khai nhận di sản thừa kế theo di chúc
Cha chồng tôi mất năm 1999, mẹ chồng tôi mất năm 1947. Ông bà có 5 người con: 4 người con đã chết trước cha chồng tôi (trong đó có chồng tôi chết năm 1967) Khi cha chồng tôi mất có để lại di chúc cho tôi một mảnh đất làm nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cha chồng tôi đứng tên. Nay đã là hơn 15 năm kể từ ngày cha chồng tôi mất, tôi có được chia phần đất do cha tôi để lại theo di chúc của ông không?
Trả lời có tính chất tham khảo
Ðiều 631 Bộ luật Dân sự quy định về quyền thừa kế của cá nhân như sau: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, một người sẽ không được quyền hưởng di sản nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự:
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Những người quy định tại khoản 1 Ðiều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Theo thông tin bác cung cấp, trước khi chết bố chồng bác đã để lại di chúc cho bác một mảnh đất để làm nhà nên bác hoàn toàn có quyền được hưởng phần di sản đó. Bác có quyền thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để khai nhận phần di sản do bố chồng bác để lại theo di chúc.
Ngoài ra, theo nội dung câu hỏi của bác, chúng tôi hiểu rằng bác đang lo ngại vấn đề hết thời hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự. Vấn đề này được giải thích như sau:
Ðiều 645 Bộ luật Dân sự quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Đây là thời hiệu để khởi kiện về thừa kế, chứ không phải là quy định về thời hiệu khai nhận di sản thừa kế. Việc bố chồng bác đã chết cách đây hơn 15 năm không làm ảnh hưởng đến quyền của bác khi khai nhận di sản thừa kế theo di chúc do bố chồng bác để lại.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG ANH
Luật sư: Dương Hải 0989 034 655 – Giám đốc
Đ/c: P 304.1 Tòa nhà Trung Thành, số 10 Nguyễn Đăng Đạo, Tiền An, Bắc Ninh
Email: luatsubacninh@gmail.com - website: luatsubacninh.com