I. Khái niệm về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì: Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Như vậy, theo các quy định trên, các quan hệ hôn nhân và gia đình được coi là quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài khi có một trong những dấu hiệu sau:
- Chủ thể trong quan hệ hôn nhân và gia đình là người nước ngoài.
- Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân và gia đình xảy ra ở nước ngoài.
- Tài sản liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước ngoài
- Nơi cư trú của các bên đương sự tham gia vào quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước ngoài.
II. Nguyên tắc áp dụng pháp luật
Theo quy định thì quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Theo quy định tại điều 122 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 thì:
1. Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật này.
Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.
3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng.
III. Quy định của pháp luật Việt Nam về kết hôn có yếu tố nước ngoài
1. Khái niệm
Luật Hôn nhân và gia đình không định nghĩa cụ thể về kết hôn có yếu tố nước ngoài nhưng có thể hiểu kết hôn có yếu tố nước ngoài là việc nam, nữ thực hiện việc kết hôn để xác lập quan hệ vợ chồng trong các trường hợp:
- Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.
- Người nước ngoài kết hôn với nhau ở Việt Nam
- Công dân Việt Nam kết hôn với nhau ở nước ngoài
2. Điều kiện kết hôn trong quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Luật Hôn nhân Gia đình 2014 thì:
1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.
2. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.
Như vậy, các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam được áp dụng cho bên nam hoặc nữ là công dân Việt Nam hoặc khi việc kết hôn có yếu tố nước ngoài tiến hành tại Việt Nam. Theo đó, hai bên nam nữ muốn kết hôn với nhau phải đáp ứng các điều kiện sau đây theo điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
3. Thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Theo Nghị định số 24/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn cho các trường hợp sau:
+ Kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
+ Kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn đối với trường hợp công dân Việt Nam không có hoặc chưa có đăng ký thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên là người nước ngoài, thực hiện đăng ký kết hôn nếu họ có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam.
Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng có thẩm quyền thực hiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp cụ thể sau:
- Kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài và việc kết hôn được tiến hành ở nước ngoài, nếu việc đăng ký kết hôn đó không trái với pháp luật của nước sở tại.
- Kết hôn giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau, nếu họ có yêu cầu.
4. Hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Theo Điều 7 Nghị định 24/2013/NĐ-CP quy định:
“Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây của mỗi bên:
a) Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu quy định);
b) Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc Tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng;
Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
d) Bản sao một trong các giấy tờ để chứng minh về nhân thân, như Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như Giấy thông hành hoặc Thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);
đ) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam kết hôn với nhau).
2. Ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, bên nam, bên nữ phải nộp giấy tờ tương ứng sau đây:
a) Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật Nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến bảo vệ bí mật Nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó;
b) Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận về việc đã ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì còn phải có giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
d) Đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam thì phải có giấy do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật của nước đó;
đ) Đối với người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận về việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Căn cứ tình hình cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định bổ sung giấy xác nhận của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài về việc công dân Việt Nam đã được tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong hồ sơ đăng ký kết hôn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.”
5. Trình tự thủ tục giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam
a, Nộp, tiếp nhận hồ sơ.
Theo Điều 8 Nghị định 24/2013/NĐ-CP thì Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp, nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện, nếu đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày phỏng vấn và ngày trả kết quả.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hai bên nam, nữ bổ sung, hoàn thiện. Văn bản hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ cần bổ sung, hoàn thiện; cán bộ tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho người nộp hồ sơ. Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn được tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.
Trường hợp người có yêu cầu nộp hồ sơ không đúng cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn người đó đến cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ.
Thủ tục tiếp nhận hồ sơ quy định ở trên cũng được áp dụng khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, công nhận việc kết hôn, ghi vào sổ hộ tịch việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Nghị định này, trừ quy định về việc ghi ngày phỏng vấn .
b, Giải quyết việc đăng ký kết hôn
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn và mức độ hiểu biết nhau của hai bên nam, nữ. Trường hợp cần phiên dịch để thực hiện phỏng vấn thì Sở Tư pháp chỉ định người phiên dịch.
Trình tự phỏng vấn đối với người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài theo Điều 10 Thông tư số 22/2013/TT-BTP Quy định chi tiết và hướngdẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CPđược thực hiện như sau:
“1. Sở Tư pháp cử cán bộ tiến hành phỏng vấn đối với người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Khi phỏng vấn cán bộ Sở Tư pháp cần làm rõ sự tự nguyện, mục đích kết hôn của công dân Việt Nam; sự hiểu biết của công dân Việt Nam về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của người nước ngoài, về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cư trú.
2. Kết quả thẩm tra, xác minh, phỏng vấn bên công dân Việt Nam cho thấy thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Sở Tư pháp yêu cầu bên người nước ngoài về Việt Nam để phỏng vấn làm rõ:
a) Hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên;
b) Người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam;
c) Công dân Việt Nam không hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của người nước ngoài; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cư trú;
d) Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho biết sẽ không có mặt để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài.
3. Kết quả phỏng vấn phải ghi thành văn bản, có chữ ký của người phỏng vấn, người được phỏng vấn.”
Kết quả phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn; người phiên dịch (nếu có) phải cam kết dịch chính xác nội dung phỏng vấn và ký tên vào văn bản phỏng vấn.
Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn không hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở Tư pháp hẹn ngày phỏng vấn lại; việc phỏng vấn lại được thực hiện sau 30 ngày, kể từ ngày đã phỏng vấn trước.
- Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam, nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp thực hiện xác minh làm rõ.
Trường hợp xét thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan công an, Sở Tư pháp có công văn nêu rõ vấn đề cần xác minh, kèm theo bản sao 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn (bản sao không cần chứng thực) gửi cơ quan công an cùng cấp đề nghị xác minh.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp, cơ quan công an thực hiện xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
Sau khi thực hiện phỏng vấn hai bên nam, nữ, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ kết hôn, ý kiến của cơ quan công an (nếu có), Sở Tư pháp báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp cùng hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu xét thấy hai bên nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn quy định tại Điều 12 của Nghị định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn.
Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản nêu rõ lý do gửi Sở Tư pháp để thông báo cho hai bên nam, nữ.( Điều 10 Nghị định 24/2013 NĐ-CP)
6. Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn
a) Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam:
Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam không quá 25 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.
Trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 10 ngày làm việc.
Như vậy, thời gian tối đa để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam là không quá 25 ngày làm việc. Ở đây cần lưu ý thời hạn nêu trên được tính từ ngày một trong hai bên nộp đầy đủ hồ sơ, Sở Tư pháp đã kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ đó một cách đầy đủ, đồng thời hai bên đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
b) Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện:
Việc đăng ký kết hôn tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được giải quyết trong thời hạn không quá 20 ngày, kể từ ngày cơ quan đại diện nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.
Trường hợp cơ quan đại diện yêu cầu cơ quan trong nước xác minh thì thời hạn được kéo dài không quá 35 ngày.
IV. Quy định của pháp luật Việt Nam về ly hôn có yếu tố nước ngoài
1. Khái niệm
Theo quy định tại Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 thì “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án." Như vậy, có thể hiểu ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật trên cơ sở sự tự nguyện của ít nhất một bên trong quan hệ vợ chồng. Bên cạnh đó, theo pháp luật Việt Nam thì cơ sở pháp lý để chấm dứt quan hệ hôn nhân là một bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Ly hôn có yếu tố nước ngoài có thể được nhận biết thông qua một trong ba dấu hiệu sau đây:
+ Về chủ thể: một trong các bên chủ thể của quan hệ ly hôn là người nước ngoài. Người nước ngoài được hiểu là tất cả những người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài, người không quốc tịch và người có nhiều quốc tịch nhưng không có quốc tịch Việt Nam.
+ Căn cứ ly hôn xảy ra ở nước ngoài: ví dụ cả hai bên vợ chồng đều là người Việt Nam nhưng đã kết hôn ở nước ngoài nay xin ly hôn tại Việt Nam. Trong vụ việc này, căn cứ để giải quyết ly hôn là việc kết hôn được tiến hành ở nước ngoài nên vụ việc mang yếu tố nước ngoài.
+ Tài sản liên quan đến quan hệ ly hôn ở nước ngoài: Cũng giống như yếu tố thứ hai, mặc dù chủ thể là công dân Việt Nam nhưng tài sản chung của hai vợ chồng không nằm trên lãnh thổ Việt Nam mà ở nước ngoài thì quan hệ đó cũng được coi là quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Trong ba dấu hiệu trên thì dấu hiệu về chủ thể là dấu hiệu thường xuyên được bắt gặp nhất trong quá trình giải quyết các vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trên thực tế, các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài mà tòa án Việt Nam hay giải quyết là vụ việc xảy ra giữa một công dân Việt Nam đã kết hôn với một người nước ngoài.
2. Các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình về ly hôn có yếu tố nước ngoài
Khi quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài phát sinh, có nhiều hệ thống luật của các nước khác nhau có thể dùng để giải quyết quan hệ đó. Để giải quyết xung đột pháp luật này, nguyên tắc luật quốc tịch và nguyên tắc luật nơi cư trú của đương sự hay được áp dụng. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định một số nguyên tắc cơ bản sau đây để giải quyết xung đột pháp luật trong vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài:
Điều 127 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
V. Quy định của pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài.
Các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài bao gồm:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi.
- Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam.
Luật hôn nhân gia đình cũng quy định thêm: Người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam hoặc nhận trẻ em nước ngoài thường trú tại Việt Nam làm con nuôi phải tuân theo quy định của Luật này và quy định trong pháp luật của nước mà người đó là công dân về điều kiện nhận nuôi con nuôi.
Việc công dân Việt Nam nhận trẻ em là người nước ngoài làm con nuôi đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì được công nhận tại Việt Nam.
Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.
2. Trong trường hợp việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, việc chấm dứt nuôi con nuôi được xác định theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được thực hiện tại nước ngoài thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, việc chấm dứt nuôi con nuôi được xác định theo pháp luật của nước nơi thường trú của con nuôi.”
Ngoài ra thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài cũng như điều kiện với người nhận con nuôi cũng như trình tự,thủ tục nhận con nuôi được quy định cụ thể trong Luật nuôi con nuôi và các văn bản pháp luật liên quan khác.
CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG ANH
Luật sư: Dương Hải 0989 034 655 – Giám đốc
Đ/c: P 304.1 Tòa nhà Trung Thành, số 10 Nguyễn Đăng Đạo, Tiền An, Bắc Ninh
Email: luatsubacninh@gmail.com - website: luatsubacninh.com