I. QUYỀN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
1. Quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh (Theo Điều 11 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
1.1. Nhà đầu tư có quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh theo quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, trừ trường hợp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực cấm đầu tư, cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
1.2. Đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nhà đầu tư có quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh nếu đáp ứng các điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật.
2. Quyền tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng, đất đai và tài nguyên (Theo Điều 12 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
Nhà đầu tư có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn vốn tín dụng, đất đai và tài nguyên theo quy định của pháp luật.
3. Quyền thuê, sử dụng lao động và thành lập tổ chức công đoàn (Theo Điều 13 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
3.1. Thuê lao động trong nước, lao động nước ngoài làm công việc quản lý, lao động kỹ thuật và chuyên gia theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
3.2. Quyết định về tiền lương và mức lương tối thiểu của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
3.3. Thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
4. Quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quảng cáo, tiếp thị, gia công và gia công lại liên quan đến hoạt động đầu tư (Theo Điều 14 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
4.1. Trực tiếp xuất khẩu, uỷ thác xuất khẩu; trực tiếp nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên liệu và hàng hoá cho hoạt động đầu tư; quảng cáo, tiếp thị, gia công và gia công lại hàng hoá liên quan đến hoạt động đầu tư theo quy định tại Điều 15 của Luật Đầu tư và quy định của pháp luật về thương mại.
4.2. Đầu tư trong lĩnh vực nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối và dịch vụ thương mại khác phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thương mại và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
5. Quyền mua, bán hàng hoá giữa doanh nghiệp chế xuất với thị trường nội địa (Theo Điều 15 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
5.1. Doanh nghiệp chế xuất được mua hàng hoá từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hoá thuộc diện cấm xuất khẩu.
5.2. Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa hàng hóa sau:
a) Sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất và không thuộc diện cấm nhập khẩu;
b) Sản phẩm do doanh nghiệp chế xuất sản xuất mà thị trường nội địa có nhu cầu;
c) Phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất không thuộc diện cấm nhập khẩu hoặc thuộc diện được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại và pháp luật có liên quan.
5.3. Quan hệ mua, bán hàng hoá giữa doanh nghiệp chế xuất với thị trường nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.
6. Quyền mở tài khoản và mua ngoại tệ (Theo Điều 16 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
6.1. Nhà đầu tư được mở tài khoản đồng Việt Nam và tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Trường hợp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận, nhà đầu tư được mở tài khoản tại ngân hàng ở nước ngoài.
Điều kiện, thủ tục mở, sử dụng và đóng tài khoản tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam và ngân hàng ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và pháp luật có liên quan.
6.2. Nhà đầu tư được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ để đáp ứng cho giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch được phép khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
6.3. Chính phủ hỗ trợ cân đối ngoại tệ trong trường hợp các tổ chức tín dụng được phép không đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của nhà đầu tư đối với một số dự án đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực sau:
a) Năng lượng;
b) Xử lý chất thải;
c) Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
6.4. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhà đầu tư có dự án đầu tư trong các lĩnh vực quy định tại khoản 3 Điều này. Bảo đảm cân đối ngoại tệ được quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
7. Quyền tiếp cận quỹ đất, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Theo Điều 17 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
7.1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất cho phát triển đầu tư.
7.2. Nhà đầu tư được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
8. Các quyền khác của nhà đầu tư (Theo Điều 18 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
8.1. Hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
8.2. Tiếp cận, sử dụng các dịch vụ và tiện ích công cộng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư.
8.3. Lựa chọn hình thức đầu tư, quy mô đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư, quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
8.4. Tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách liên quan đến đầu tư, các dữ liệu của nền kinh tế quốc dân và của từng khu vực kinh tế, các thông tin kinh tế - xã hội khác liên quan đến hoạt động đầu tư.
9. Quyền được bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách (Theo Điều 20 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
9.1. Trường hợp pháp luật, chính sách mới ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư đã được hưởng trước khi pháp luật, chính sách mới đó có hiệu lực thì nhà đầu tư được bảo đảm hưởng các ưu đãi được quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được giải quyết bằng một, một số hoặc các biện pháp sau:
a) Tiếp tục hưởng các quyền và ưu đãi;
b) Được khấu trừ phần thiệt hại vào thu nhập chịu thuế;
c) Được điều chỉnh mục tiêu của dự án;
d) Được xem xét bồi thường trong một số trường hợp cần thiết.
9.2. Đối với biện pháp bồi thường quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư do việc thay đổi pháp luật, chính sách có ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
II. NGHĨA VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ ĐẦU TƯ (Theo Điều 21 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ)
1. Nghĩa vụ của nhà đầu tư
1.1. Tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư; thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung văn bản đăng ký đầu tư, nội dung Giấy chứng nhận đầu tư;
1.2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
1.3. Thực hiện quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán và thống kê;
1.4. Thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm, lao động; tôn trọng danh dự, nhân phẩm và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động;
1.5. Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập, tham gia tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật;
1.6. Thực hiện quy định của pháp luật về môi trường;
1.7. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của nhà đầu tư:
2.1. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung văn bản đăng ký đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư và tính hợp pháp của các văn bản trong hồ sơ dự án đầu tư;
2.2. Báo cáo về hoạt động đầu tư theo định kỳ 6 tháng và 1 năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bắc Ninh và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung báo cáo.
Khi gửi báo cáo hoạt động đầu tư về Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị Chủ đầu tư gửi kèm bản sao kết quả thực hiện đầu tư (gồm: Ý kiến về thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường).
2.3. Cung cấp các văn bản, tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động đầu tư cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
III. HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ ĐẦU TƯ CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
A. Hành vi vi phạm các quy định về đầu tư: (Theo Điều 22 Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 04/4/2007 của Chính phủ)
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với nhà đầu tư có một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư theo quy định;
b) Báo cáo về hoạt động đầu tư không đúng quy định.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với nhà đầu tư có một trong các hành vi sau:
a) Đăng ký đầu tư không chính xác, không trung thực;
b) Triển khai thực hiện dự án chậm so với thời gian quy định.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với nhà đầu tư có một trong các hành vi sau:
a) Không đăng ký điều chỉnh đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện phải đăng ký điều chỉnh;
b) Không thực hiện đúng nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư;
c) Sau khi tạm ngừng, nhà đầu tư triển khai dự án trở lại mà không thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với nhà đầu tư có một trong các hành vi sau:
a) Chuyển nhượng dự án không theo quy định;
b) Không đăng ký đầu tư đối với dự án thuộc diện phải đăng ký đầu tư;
c) Tạm ngừng, giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà không thông báo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư;
d) Tiếp tục hoạt động triển khai dự án khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận đầu tư;
e) Chấm dứt dự án mà không thông báo, không thực hiện thủ tục thanh lý dự án theo quy định của pháp luật.
5. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, nhà đầu tư vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:
a) Buộc thực hiện báo cáo đầu tư theo quy định đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc đăng ký điều chỉnh đầu tư đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
c) Buộc thực hiện đúng các nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư đối với vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Buộc chấm dứt hoạt động đối với vi phạm quy định tại điểm đ và điểm g khoản 4 Điều này;
đ) Buộc thực hiện thủ tục thanh lý theo quy định đối với vi phạm quy định tại điểm e khoản 4 Điều này;
e) Buộc thực hiện đúng pháp luật đối với các vi phạm khác.
B. Hành vi vi phạm các quy định về ưu đãi đầu tư: (Theo Điều 25 Nghị định số 53/2007/NĐ-CP ngày 04/4/2007 của Chính phủ)
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với nhà đầu tư trong quá trình thực hiện không đáp ứng những cam kết đã đăng ký để được hưởng ưu đãi đầu tư mà không thông báo lại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với nhà đầu tư kê khai không chính xác, không trung thực để được hưởng ưu đãi đầu tư.
3. Ngoài hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nhà đầu tư vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:
a) Buộc thực hiện đúng những cam kết đã đăng ký hoặc bị huỷ bỏ ưu đãi đầu tư đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc hoàn chỉnh hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét lại đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Buộc hoàn trả những ưu đãi đầu tư đã được hưởng không đúng quy định.
IV. Trách nhiệm và xử lý vi phạm trong thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư: (Theo Điều 19Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ)
Các cấp có thẩm quyền không được phép điều chỉnh Dự án đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ theo quy định./.
CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG ANH
Luật sư: Dương Hải 0989 034 655 – Giám đốc
Đ/c: P 304.1 Tòa nhà Trung Thành, số 10 Nguyễn Đăng Đạo, Tiền An, Bắc Ninh
Email: luatsubacninh@gmail.com - website: luatsubacninh.com